Bài viết về trải nghiệm thú vị văn hoá vùng cao Tây Bắc giữa lòng TP.HCM

Tuần văn hóa - du lịch các tỉnh Tây Bắc tại TP.HCM đang diễn ra sôi động tại Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ trong suốt 3 ngày (4/12 – 6/12/2023) với chuỗi các hoạt động văn hóa, lịch sử, du lịch sôi nổi, rực rỡ sắc màu.
 
Vùng cao Tây Bắc - vùng đất đa dạng về văn hóa, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng.

 


Chiều muộn, Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ đã bắt đầu nhộn nhịp, nườm nượp du khách đổ về tham quan, vui chơi, trải nghiệm nét đặc sắc Vùng cao Tây Bắc giữa lòng Sài Gòn.


Tại khu vực trung tâm, đa sắc màu văn hóa các dân tộc Vùng Cao Tây Bắc với nhiều hoạt động sôi nổi.

 

 


Càng về khuya, người dân và du khách tựu về càng đông vui cùng nhiều hoạt động hấp dẫn.

 

 


Ngay khu vực ném Còn là các chàng trai – cô gái dân tộc Mông xoay vòng trong điệu khèn du dương.

 

 


Sát bên, đông đảo du khách nhảy sạp xôm tụ, xập xòe trong tiếng trống – cồng chiêng.

 

 


Các cô gái Hà Nhì rực rỡ, xinh tươi trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trong khuôn khổ Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên - Tây Bắc tại TP.HCM diễn ra các hoạt động phong phú, đa dạng như: Trồng hoa ban tại thành phố Thủ Đức; hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch các tỉnh Tây Bắc và TP.HCM; chương trình nghệ thuật giao lưu với chủ đề: “Điện Biên, Tây Bắc - TP.HCM kết nối và phát triển"; chương trình “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc”.

Song song đó là các chương trình diễu hành văn hóa đường phố, với chủ đề “Điện Biên sắc màu hội tụ”, giới thiệu sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên tới du khách và nhân dân TP.HCM; Triển lãm ảnh chủ đề: “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” gồm 150 ảnh và thể hiện qua 3 phần trưng bày.

Chương trình diễu hành văn hóa đường phố với chủ đề “Điện Biên sắc màu hội tụ”; triển lãm ảnh "Từ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975"…

 

 


Khi được giới thiệu những hình về Sài Gòn xưa anh bạn Raimond đây vô cùng thích thú với những hình ảnh các công trình kiến trúc đậm nét Gothic thời trước. Bọn em còn tranh luận thêm về Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu nữa, Sơn Tùng hồ hởi nói.

Sơn Tùng, anh bạn trẻ có cái tên nghe quen quen, đến từ Q.2 tham dự Lễ hội vui vẻ nói, em đang theo học ngành văn hóa nên mỗi dịp TP diễn ra các lễ hội, nhất là các lễ hội đậm đà sắc màu các dân tộc vùng cao em đều không bỏ lỡ dịp.

Sẳn dịp hôm nay em cùng anh bạn nghiên cứu sinh người Pháp ghé đến tham quan, và hòa cùng các hoạt động rộn ràng, vui nhộn tại đây.

Từ các nghi thức cúng bái, cầu phúc, uống rượu từ chiếc sừng trâu, chúng tôi đều thử trải nghiệm, thật tuyệt vời. Ngoài ra còn được hòa cùng mọi người trong điệu xòe, cùng các cô gái Thái nhảy sạp, gõ trống phụ họa cùng ban nhạc… thật vui, thật đặc sắc, Raimond người Pháp phụ họa.

 

 


Du khách mãi mê ngắm nhìn kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông.

 

 


Nổi lửa rèn dao Mèo, một kỹ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Vùng cao được tái hiện giữa lòng Sài Gòn.

 

 


Tại không gian triển lãm còn dựng lên khung dệt thô sơ, mộc mạc, dưới bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo nên sắc màu hoa văn thổ cẩm lạ mắt, tuyệt đẹp.

 

 


Sân khấu Hạn Khuống, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội truyền thống của dân tộc Thái tỉnh Sơn La. Tại đây còn diễn ra trò chơi ném Còn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham dự.

 

 


Dân tộc Thái là cộng đồng đông dân nhất ở Sơn La. Dân tộc Thái có nhiều nét văn hóa đặc trưng, với những giai điệu tính tẩu đằm thắm trữ tình, những điệu múa duyên dáng làm say đắm lòng người.

Bên cạnh đó, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa vùng cao; trải nghiệm văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái, Mông, Dao; nghi lễ Tằng Cẩu của dân tộc Thái Sơn La và các hoạt động trưng bày, giới thiệu về văn hóa, du lịch, thương mại, nông nghiệp của tỉnh Điện Biên, Sơn La, cùng các trò chơi dân gian độc đáo…

 

 


Tranh thủ lúc khách chưa đông, chị Xuyên thị phạm cách ném Còn chính xác cho du khách; trong khi Andrei (áo vàng phía sau) chăm chú dùng điện thoại quay clip lưu lại cẩn thận.

Chị Vàng Thị Xuyên, dân tộc Thái ở Mường Chà hào hứng nói, đây là lần đầu tiên tôi tháp tùng đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên vào Sài Gòn dịp lễ hội Tây Bắc diễn ra tại TP.

Trong các ngày qua, anh chị em trong đoàn tranh thủ lúc rảnh rỗi đi tham quan vài nơi. Sài Gòn rất đẹp, lúc nào cũng thấy đông vui, nhộn nhịp tới tận khuya...

Hàng quán lúc nào cũng thấy đông đúc, rộn ràng người ra kẻ vào. Tại khu trung tâm các cửa hàng cửa hiệu san sát, mát lạnh không khác gì quê nhà, thích thật.

 

 


Cuối cùng chuyện “tưởng là không dễ nhưng lại dễ không tưởng”. Ngày mai, tôi nhất định phải rủ các bạn cùng công ty ra đây, trải nghiệm trò chơi hào hứng này mới được, Andrei hứng khởi nói.

Nhận được sự vỗ tay tán thưởng của đông đảo du khách, Andrei hào hứng nói, ban đầu tôi phải ném cả chục phát mới được 1 lần trúng nhưng khi đã quen rồi thì gần như bách phát bách trúng.

Hơn nữa nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình từ chị người dân tộc, tôi đã sớm nắm được kỹ thuật tuyệt vời này, nó đòi hỏi mình phải có sự khéo léo kết hợp với lực khỏe của cánh tay nữa.

 

 


Du khách hào hứng trải nghiệm trò chơi đánh cù, dưới sự hướng dẫn tận tình của các chàng trai đồng bào Mông.

 

 


Các cô gái dân tộc Hà Nhì tranh thủ thả dáng chụp hình lưu niệm cùng nhau.

 

 


Mời khách giao lưu cùng chén rượu ngô và xoay vần bên nhau trong điệu múa khèn đẹp mắt.

Ngoài ra, không gian văn hóa vùng cao chú trọng giới thiệu không gian ẩm thực truyền thống các dân tộc; không gian phiên chợ, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các dân tộc; hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch…

Mỗi gian hàng sẽ giới thiệu một đặc trưng của một tỉnh Tây Bắc với các sản phẩm OCOP của các tỉnh như: khô bò, chẳm chéo, măng khô, miến dong... thu hút đông đảo người dân và du khách mua sắm.

 

 


“Thật hiếm có dịp giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp lại được dịp hòa mình trong không gian của những ngôi nhà trình tường, nhà sàn mái lá cùng không khí sôi nổi, vui nhộn giữa các sắc màu rộn rã”, ông Trương Công Toại, nhà ở Q.4 nhận xét.

 

 


Cristina, du khách Tây Ban Nha thích thú chọn mua cho mình gần chục sản phẩm thủ công các loại, từ những chiếc chiếc túi xinh xinh, vòng đeo đủ sắc màu… cô nói: “Trông các túi nhỏ làm từ vải màu thổ cẩm rất lạ và hay, tôi chọn mua cho mình và làm quà tặng bạn bè nữa”.

 

 


Tay trong tay nối rộng vòng xòe kết giao tình thân ái.

Cô Trúc Mai ở Bình Chánh lên chơi, cô phấn khởi cho hay, tôi không nghĩ giữa Sài Gòn náo nhiệt lại được dịp nhìn ngắm các chàng trai – cô gái người con của Vùng cao Tây Bắc tề tựu về đông vui như thế. Cảm xúc thật khó tả, không khí lễ hội nhộn nhịp, vui vẻ.

Đi dạo từ đầu tới cuối, mình có thể hòa vào vòng tròn, vòng xòe tay trong tay ca hát, nhảy múa thật vui; điều này thật tuyệt. Mong rằng mình sẽ còn nhiều dịp tham dự những lễ hội đa sắc màu văn hóa các dân tộc như thế này hơn nữa, cô Mai trút lòng.

Theo TCDULICHTPHCM.VN

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn