Kể về Vũng Tàu: Trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương tại Việt Nam

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19.8.1945-19.8.2014) và Quốc khánh 2/9, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Trận địa pháo cổ Vũng Tàu, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1885, nhằm tạo ra hành lang an toàn tuyệt đối cho cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ, do Pháp cai trị gồm hệ thống đồn bốt, công sự, lắp đặt những trận địa pháo trên núi Lớn, núi Nhỏ. Xác định giá trị văn hóa, lịch sử của Trận địa pháo cổ ngày 18/01/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) đã xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia là “Bộ sưu tập vũ khí có giá trị và lớn nhất Đông Dương”



Trận địa Pháo cổ Vũng Tàu do Pháp xây dựng được bố trí liên tiếp từ Tây-Bắc sang Đông-Nam Núi Lớn và Núi Nhỏ (TP Vũng Tàu). Hệ thống trận địa pháo cổ gồm 23 khẩu trọng pháo, phân chia thành ba cụm: Trận địa pháo Núi Lớn, Trận địa pháo núi Tao Phùng (Núi Nhỏ) và Trận địa pháo Cầu Đá.



Trận địa pháo Núi Lớn

Nằm trên Núi Lớn, là một nơi ghi dấu tháng năm lịch sử, nằm ở vị trí đẹp hướng ra biển, một bên là biển cả bao la, bên kia là núi non hùng vĩ. Từ Bãi Sau du khách đi đường Thùy Vân vòng qua Bãi Trước xuôi theo con đường Trần Phú, đến hẻm 444 đường Trần Phú-Phường 5-TP.Vũng Tàu, men theo con đường nhựa rợp bóng cây xanh, uốn khúc quanh co lưng chừng núi để đến với Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi có từ thời Pháp-Nhật. Trận địa pháo Núi Lớn là một trong ba tuyến phòng thủ quân sự do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX, với quy mô kiên cố, hiện đại nhất lúc bấy giờ ở Đông Dương. Được khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành, ở độ cao 100m so với mực nước biển, rộng hơn 1 ha. Trận địa pháo gồm 6 khẩu trọng pháo do Pháp chế tạo từ năm 1872-1876 đặt trên bệ, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau 17,5m, với trọng lượng là 15 tấn/khẩu, được đặt trên mâm pháo có thể quay 3600 và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định. Những khẩu pháo đều hướng ra biển Đông phía Cần Giờ TP. HCM. Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn và hệ thống giao thông hào liên kết với các cỗ pháo khác xung quanh là hệ thống kho đạn và hầm pháo thủ. Để xây dựng một trận địa pháo cổ này, thực dân Pháp đã bắt người dân lao dịch khổ sai dùng sức người xẻ đá, phá núi làm đường, đào hào giao thông, xây hầm công sự đều làm bằng thủ công, phương tiện thô sơ và đã cướp đi biết bao tính mạng, mồ hôi, xương máu của dân chúng ta.

 

du khách tham quan trận địa pháo cổ Núi Lớn


Năm 1944, quân đội Nhật đã sử dụng hầm chứa thủy lôi để phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu. Thời chống Pháp (1945-1954), quân và dân Vũng Tàu bí mật lấy khoảng 60 trái thủy lôi (nặng trên 100kg/trái) chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch. Trận địa pháo này là một trong những bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương còn lại tại Vũng Tàu, đồng thời là nơi in đậm dấu ấn lịch sử tranh đấu một thời của thuộc địa Pháp tại Việt Nam.

 

 

Những cỗ đại pháo ở trận địa pháo cổ Núi Lớn


Trận địa pháo cổ Núi Lớn là điểm đến thú vị mà ít người biết tới khi đến với thành phố biển Vũng Tàu, du khách rất dễ dàng tham quan bởi nơi đây rất gần Bãi Trước, Bãi Sau những bãi biển xinh đẹp của thành phố này. Khám phá Trận địa pháo cổ Núi Lớn không chỉ đưa du khách về với thiên nhiên tươi đẹp, khung cảnh thanh bình mà còn làm sống lại quá khứ một thời của chiến tranh tàn khốc.

Trận địa pháo Núi Tao Phùng (Núi Nhỏ)

Nằm trên Núi Tao Phùng, từ trận địa pháo Núi Lớn du khách dọc bờ biển đi về phía Bãi Trước, đến đường Hải Đăng rẽ phải hoặc đi theo lối vào Tịnh Xá Ngọc Bích và phía dưới chân tượng Chúa Kitô, đến đây du khách tận mắt chiêm ngưỡng 11 khẩu đại pháo, mỗi khẩu có trọng lượng 2 tấn đang ghếch nòng về phía biển. Trận địa pháo này cũng thuộc một trong ba trận địa tạo thành tuyến phòng thủ Vũng Tàu của người Pháp được xây dựng cùng thời điểm với trận địa pháo Núi Lớn. Trận địa pháo Núi Tao Phùng có chức năng là chốt tiền tiêu do phải quản lý vùng biển Phước Tỉnh, Long Hải, vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Trận địa pháo này gồm 3 cụm:

Cụm thứ nhất: Nằm trên đỉnh núi Tao Phùng, ngay dưới chân tượng Chúa Kitô, cụm này có 3 khẩu pháo ở độ cao 136m so với mực nước biển và được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất có đường kính 10,5m, nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định, các cỗ pháo có thể quay tròn mọi hướng và nâng cao hay hạ thấp và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn. Những cỗ pháo này có cùng kiểu dáng, cấu tạo và cỡ đạn là 240mm, nòng dài 12,33mm, trên thân các cỗ pháo đều có ghi ký hiệu, kích cỡ nòng súng, kiểu dáng và năm sản xuất

 

 

Cỗ đại pháo ở trận địa pháo cổ Núi Nhỏ nằm dưới chân tượng Chúa Kitô


Cụm thứ hai: Đặt tại ngọn Hải Đăng có 5 khẩu pháo ở độ cao 91m so với mực nước biển, 5 cỗ pháo này có cùng kiểu dáng, cấu tạo và cỡ đạn là 300mm, trên thân pháo đều ghi các thông số cần thiết. Những cỗ pháo này được bố trí thành hai ụ cách nhau 20m, hai ụ pháo này được đặt trong công sự hình chữ nhật sâu dưới mặt đất, ụ thứ nhất có 3 khẩu, ụ thứ hai có 2 khẩu. Cụm này nằm cách cụm pháo thứ nhất 300m về phía Bắc, hiện giờ còn lại 4 khẩu, (1 khẩu chỉ còn lại mâm pháo do súng được chuyển về trưng bày trong bộ sưu tập súng cổ ở sân Bạch Dinh).

Cụm thứ ba: Nằm tại Tịnh xá Ngọc Bích (đường Hạ Long) có 3 khẩu đại pháo cùng kiểu dáng, ở độ cao 90m so với mực nước biển. 3 cỗ pháo này có cỡ đạn bằng nhau là 140mm, trên thân pháo đều ghi các thông số cần thiết. Cụm này nằm cách cụm thứ hai 300m, cách cụm thứ nhất 600m. các cỗ pháo được đặt riêng biệt trong ba công sự, cách đều nhau 27m và được nối thông với nhau bằng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn. Những cỗ pháo của trận địa pháo Núi Tao Phùng được bố trí trên một khu vực cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đứng bên những khẩu đại pháo có tuổi đời hơn 100 năm, lòng ta như rộn lên bao cảm xúc khi nghĩ về những thăng trầm lịch sử, lịch sử đã sang trang và những khẩu pháo này hôm nay không còn ý nghĩa gì cho việc phòng thủ, ngoài giá trị văn hóa và du lịch.

Trận địa pháo Cầu Đá

Được xây dựng cuối thế kỷ XIX nằm ở phía Bắc Núi Nhỏ ở độ cao 15 m, gồm 4 khẩu pháo cỡ đạn 240mm, nòng dài 5,5m bố trí theo hình cánh cung nòng hướng ra biển Bãi Trước - Cần Giờ, cách nhau 18 m, được đặt lên mâm pháo có thể quay tròn 3600 nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ hệ thống chuyển động tầm hướng bằng bánh răng cưa. Trận địa Cầu Đá là một bộ phận trong phòng tuyến Vũng Tàu của thực dân Pháp, nhằm bảo vệ cầu cảng, khu điện báo, vịnh hàng Dừa, Bãi Trước và vùng biển Tây Nam Vũng Tàu.

Những khẩu đại pháo của trận địa pháo cổ Vũng Tàu này vẫn có thể bắn được, thậm chí làm cho nó quay 3600 và bắn ra đạn nước hoặc giấy có tiếng nổ vang theo kiểu cầm canh, tạo ra một nét riêng độc đáo phục vụ du lịch ở Vũng Tàu. Nghi thức bắn súng Thần Công là nét văn hóa độc đáo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được công nhận bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chứng nhận qui trình, giải pháp, kỹ thuật. Sau hàng trăm năm ngủ yên, trải qua bao nhiêu dâu bể thăng trầm của thời gian vẫn không hề han gỉ, những khẩu đại pháo hiên ngang chĩa nòng ra biển, như thách thức giặc ngoại bang, lại có dịp được âm vang nhân mỗi dịp Khai hội Văn hóa, Du lịch được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán. du khách gần xa được sống lại trong khí thế hào hùng của quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu kiên tâm bảo vệ cương thổ, giữ gìn giá trị truyền thống thiêng liêng và sự bình yên của dân tộc.

Trận địa pháo cổ Vũng Tàu là một minh chứng lịch sử rất quý giá cho thế hệ mai sau. Đây là một điểm hấp dẫn du khách, là điểm đến du lịch truyền thống Cách Mạng chứng tích lịch sử. Khám phá trận địa pháo cổ, khách du lịch không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của rừng núi mà còn được sống lại giai đoạn tháng lịch sử đấu tranh của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu, hiểu thêm những khó khăn gian khổ trong kháng chiến đánh Pháp đuổi Nhật làm nên thắng lợi vĩ đại của đất nước.

Theo TCDULICHTPHCM.VN

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn